Đế chế Mughal là một trong những đế chế hùng mạnh nhất lịch sử Ấn Độ. Giai đoạn thịnh trị nhất của đế chế trong thế kỷ 16 và 17 đã góp phần thay đổi lịch sử của toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ.
Người Mughal ở thời kỳ đỉnh cao có một quân đội hùng mạnh, một nền kinh tế lớn và tôn giáo được coi trọng và phát triển.
Đế chế Mughal liên tục mở rộng lãnh thổ mà không gặp phải quá nhiều khó khăn. Mãi đến nửa sau thế kỷ 16, một liên minh lỏng lẻo của người Rajput mới thực sự là vật cản đầu tiên và nó đã dẫn đến trận Haldighati vào năm 1576.
Trước đó, năm 1556, Hoàng đế thứ ba của đế chế Mughal là Akbar (1542-1605) cùng với Tể tướng Bairam Khan (1501-1561) đã đánh bại tướng Hemu (?-1556) của nhà Sur trong trận Panipat lần thứ Hai. Quyền thống trị của Mughal tại Delhi và Agra được khôi phục. Từ đấy, nhà Sur rút hoàn toàn về Afghanistan và không dám khiêu chiến với đế chế Mughal nữa. Đến năm 1559, đế chế Mughal thôn tính toàn bộ đất đai của nhà Sur và hoàn toàn làm chủ miền bắc Ấn Độ.
Năm 1560, Hoàng đế Akbar đã 18 tuổi, ông muốn được tự mình cai quản đất nước và thoát khỏi cảnh lệ thuộc vào Tể tướng Bairam Khan. Điều này khiến Bairam Khan nổi dậy nhưng bất thành, Akbar đã đạt được mục đích của mình.
Sau khi tự chủ được quyền lực, Akbar quyết tâm mở rộng lãnh thổ về miền trung và miền tây Ấn Độ. Đặc biệt, vùng Gujarat được vị hoàng đế trẻ tuổi rất quan tâm vì đây là đầu mối quan trọng để làm ăn buôn bán với người Ottoman và người Safavid.
Tuy nhiên, các vương quốc nhỏ do những chiến binh Rajputs cai trị, đã kiểm soát các vùng tiếp giáp Gujarat. Những người Rajputs là những chiến binh thực thụ, được đào tạo từ tấm bé. Khi chiến đấu, họ là những kỵ binh thiện chiến, kết hợp với các đội tượng binh, họ là những đối thủ rất đáng gờm. Trong phòng thủ, các pháo đài của người Rajputs cũng rất chắc chắn, dễ thủ khó công.
Tuy vậy, tham vọng của Akbar là rất lớn, và không có gì có thể ngăn cản được ông. Năm 1561, Đế chế Mughal đánh tan đội quân của Vương quốc Hồi giáo Malwa. Sultan của Vương quốc Malwa là Baz Bahadur (?-?) đã chạy sang Vương quốc Mewar để ẩn náu.
Một cái cớ quá hoàn hảo để tấn công Mewar. Tuy nhiên, Đế chế Mughal chịu nhiều cuộc nổi dậy khiến công cuộc bành trướng của Akbar bị trì trệ đến tận năm 1567.
Maharana của Vương quốc Mewar là Udai Singh II (1522-1572) quyết tâm đối đầu với Akbar đến cùng. Điều gì đến cũng phải đến, năm 1567, đại quân Mughal bắt đầu tấn công Mewar. Chênh lệch là quá lớn, 100.000 quân Mughal đối đầu với chỉ vỏn vẹn 20.000 quân Mewar.

Biết được việc này, Udai Singh II rút lui về phía núi phía tây nam vương quốc để tổ chức phòng thủ. Rất nhanh chóng, cuối năm 1567, đầu năm 1568, quân Mughal bao vây Chittaurgarh và Ranthambore. Cả hai pháo đài này đều thất thủ sau vài tháng vây hãm.
Cuộc vây hãm Chittaurgarh đã chứng kiến lần đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ, công binh và pháo binh đã được phối hợp với nhau khi vây hãm pháo đài. Quân Mughal đào hào và gắn thuốc nổ sát chân thành Chittaurgarh. Khi họ kích nổ, pháo đài đã mau chóng thất thủ.
Udai Singh II chấp nhận đầu hàng nhưng nhiều quý tộc của Mewar không chấp nhận, họ vẫn tiếp tục kháng chiến chống lại Đế chế Mughal.
Năm 1572, Udai Singh II băng hà, con trai là Pratap Singh I (1540-1597) kế vị. Akbar ngay lập tức cử sủng tướng của mình là Mirza Raja Man Singh (1550-1614), một người am hiểu văn hóa Rajput đến Mewar và yêu cầu Pratap Singh I xưng thần.
Đề nghị bị từ chối, Pratap Singh I quyết tâm chiến đấu đến cùng. Tức giận, Akbar lệnh cho tướng Man Singh tấn công, trận đánh nổi tiếng Haldighati đã nổ ra vào ngày 18/6/1576, một trận đánh rất quan trọng trong lịch sử Ấn Độ, nhất là về vấn đề tôn giáo khi những chiến binh Hồi giáo của Mughal đối đầu với những chiến binh Hindu của Mewar.
Man Singh có khoảng 10.000 quân (không rõ số lượng từng binh chủng). Trong khi đó, Pratap Singh I có 3000 kỵ binh, 500 cung thủ và một đội tượng binh chưa rõ số lượng.
Quân Mughal chia một phần lực lượng dàn trận ở phía trên. Phần còn lại ở phía dưới, được chia làm năm phần và dàn trận thiên nhiều về cánh trái, nơi Man Singh chỉ huy.
Trong khi đó, quân Mewar chia làm bốn phần, mỗi phần lại có cung thủ hỗ trợ ở phía sau, riêng đội tượng binh không rõ cách bố trí ra sao. Nhưng theo nhiều ý kiến của các sử gia, đội tượng binh đã được bố trí ở trung tâm quân Mewar.
Dù biết mình đang bị áp đảo, Pratap Singh I vẫn quyết định tấn công phủ đầu trước. Kỵ binh Mewar mau chóng tràn lên đánh tan bộ binh và cung thủ ở tuyến đầu quân Mughal. Cánh phải quân Mughal vốn mỏng và yếu cũng bị đẩy lui.
Rất nhanh, kỵ binh Mewar áp đảo hoàn toàn và dần bao vây lực lượng kỵ binh Mughal còn lại. Thấy tình hình nguy cấp, Man Singh dẫn quân từ phía sau lên ứng cứu, kỵ binh Mewar bị đảo ngược thế cờ, giờ đây, chính họ đang rơi vào thế yếu.
Pratap Singh I ở phía sau quan sát, cũng quyết định chi viện, ông cùng đội tượng binh lao lên tấn công. Man Singh tỏ ra vô cùng bình tĩnh, kỵ binh Mughal ra sức chặn đà tấn công của quân Mewar trong khi lính ngự lâm sử dụng súng hỏa mai tiến lại với một khoảng cách vừa đủ và khai hỏa về phía đội tượng binh.
Đội tượng binh Mewar bị vô hiệu hóa, những con voi chiến dần lần lượt ngã gục trước làn đạn dày. Quân Mewar mất tinh thần khi những “cỗ xe tăng” của họ đã bị phá hủy.

Man Singh lập tức chia quân làm hai, và cùng tràn lên truy kích quân Mewar đang tìm cách rút lui. Pratap Singh I bị thương nặng và ngất đi, các tướng lĩnh phải xả thân phò trợ nên ông mới may mắn giữ được mạng. Các cung thủ Mewar đã ở lại chặn hậu, giúp cho quân Mewar chạy thoát được rất nhiều, khoảng gần một nửa lực lượng.
Rất nhanh, Mewar gần như đã bị nuốt chửng, nhưng Pratap Singh I vẫn quyết tâm chiến đấu đến cùng. Sự bền bỉ của ông đã được đền đáp khi ông tận dụng việc Đế chế Mughal suy yếu đã giành lại được gần hết lãnh thổ của Mewar.
——————-
Viết bài: Lê Nguyễn Việt Anh – LSVMPT