Hậu cần Châu Âu thời trung cổ – Phần 1: Ngựa và bò

  1. Hậu cần Châu Âu thời trung cổ – Phần 1: Ngựa và bò
  2. Hậu cần châu Âu trung cổ phần 2: Chi phí cho binh lính
  3. Hậu cần châu Âu trung cổ phần 3: Lại là ngựa

Dùng ngựa và xa phu để vận chuyển hậu cần

Đường sá thời này không tốt được như La Mã, nên một xe hai bánh do 2 con ngựa thồ kéo, loại phổ thông nhất, chỉ di chuyển được 30 km mỗi ngày với tải trọng hàng hóa 500 kg.
Ngựa châu Âu ăn cả cỏ lẫn ngũ cốc, trung bình mỗi ngày hết 5 kg cỏ và 5 kg ngũ cốc (hoặc loại thức ăn chăn nuôi tương ứng). Cỏ có thể cho ngựa gặm ven đường lúc nghỉ ngơi, nhưng ngũ cốc thì bắt buộc phải lấy ngay trên xe.

Người đánh xe cũng phải ăn, với nam giới trưởng thành thì một ngày tính là 1 kg tổng khối lượng bánh mì+ thịt khô + đậu khô.
Với hai con ngựa và 1 người đánh xe, tiêu hao hàng hóa trên chính chiếc xe đó mỗi ngày sẽ là 11 kg.

Như vậy nếu tính thời gian di chuyển là 10 ngày, quãng đường đi được 300 km, tiêu hao hàng hóa để nuôi ngựa+người đánh xe sẽ là 110 kg.

người đánh xe thời trung cổ
Mô tả người đánh xe trong cuốn sổ gia đình của Tổ chức Mười hai anh em nhà Mendel ở Nuremberg từ khoảng năm 1425. (Thư viện Thành phố Nuremberg Amb. 317.2° Folio 32v)

Bạn chở hàng đến doanh trại quân ta xong, lúc quay về vẫn sẽ phải tự túc ăn uống như cũ. Do đó con số trên phải nhân đôi thành 220 kg. Khối lượng hàng thực tế mà doanh trại nhận được chỉ 280 kg.

Đừng nghĩ lúc về thì xe nhẹ hơn sẽ đi nhanh hơn, tiêu hao ít hơn. Người ta dỡ hàng xong sẽ chất đủ thứ khác lên xe để bạn chở về hậu phương, ví dụ vũ khí giáp trụ hỏng không thể sửa tại chỗ, chiến lợi phẩm, thậm chí là thương binh.

* Tổng kết: Tiêu hao dọc đường để vận hành xe thô sơ là rất đáng kể, đã giới hạn quãng đường vận động và khối lượng hàng tiếp tế cho các đội quân Trung Cổ.

Nguồn:
– David S. Bachrach: Warfare in Tenth-Century Germany (Woodbridge 2012)

– Malte Prietzel: Krieg im Mittelalter (Darmstadt 2006)

Ngựa tốn kém quá, dùng Bò đi!

Nếu nghĩ dùng ngựa kéo xe quá tốn kém, bạn có thể thử chuyển sang bò. Thông thường, đây là những con bò đực, bị thiến và được huấn luyện dùng cho việc cày kéo, thồ hàng. Bò có thể ăn thuần cỏ mà vẫn làm việc nặng được, do vậy không tốn công chở thức ăn theo như ngựa.

Thế nhưng bạn sẽ nhanh chóng nhận ra vấn đề. Một xe 2 bánh chở hàng 500 kg, do hai con bò kéo, chỉ đi được 15-20 km/ngày. Bò cần nhiều thời gian gặm cỏ hơn (bù đắp cho việc không ăn thức ăn giàu calo như ngũ cốc) và tốc độ cũng chậm hơn ngựa. Đổi lại số hàng hóa trên xe chỉ hao hụt không đáng kể (tiêu hao là thức ăn cho người đánh xe).

Bò dùng để kéo xe
Bò dùng để kéo xe

Vậy nếu là sĩ quan chỉ huy hậu cần, bạn sẽ phải chọn tốc độ (ngựa kéo) hay khối lượng (bò kéo).

Còn cướp bóc lãnh thổ thù địch có thể bổ sung lương thực và nhu yếu phẩm, nhưng cũng có nhiều rủi ro. Bạn phải phân tán lực lượng trên một khu vực rộng lớn, dễ bị đối phương tập kích và chưa chắc hàng hóa thu được đã đủ cho quân mình dùng. Nông dân Trung Cổ cũng chẳng phải lũ ngốc, khi thấy quân đội lạ tiến đến, họ sẽ lập tức thu gom tài sản giá trị trốn vào thành quách, thị trấn gần nhất có tường cao. Nỗ lực đánh chiếm các vị trí kiên cố như vậy không phải lúc nào cũng khả thi, và sẽ làm chậm đáng kể tốc độ hành quân.

Giấy phép cướp bóc sớm nhất còn lưu được là văn bản của thành phố Fribourg (có quyền tự trị rất rộng rãi) năm 1410. Theo đó quân đội của thành phố phải tuân theo các quy định:

  • Cấm cướp trong các lãnh thổ đồng minh. Việc vi phạm sẽ bị phạt tiền và lưu đày trong một năm.
  • Trường hợp cướp bóc trong lãnh thổ địch sau khi chiến thắng, thì 100% chiến lợi phẩm phải được trao cho ngân quỹ thành phố (còn trước khi đánh bại đối phương mà đi cướp được cái gì, thì đơn vị tự chia nhau).
  • Nghiêm cấp cướp phá nhà thờ, tấn công giáo sĩ trong đó. Nghiêm cấm hiế* phụ nữ. Vi phạm một trong hai điều này sẽ bị chặt một tay.

Đến năm 1477, quy định này có bổ sung: Chia 1/10 chiến lợi phẩm bất kể trước hay sau khi thắng cho đại đội trưởng đơn vị thực hiện hoạt động đó, 5/10 cho ngân sách, còn 4/10 là cho lính.

Bổ sung:

  • Ngựa ngoài tự nhiên gặm cỏ trung bình 15h/ngày. Còn ngựa thồ dù được lai giống để có cơ thể thích nghi việc kéo hay chở nặng, ngoài cỏ vẫn phải cho ăn thêm thức ăn chăn nuôi, dễ thấy nhất là ngũ cốc. Hầu hết các loại ngũ cốc cung cấp năng lượng gấp rưỡi so với khối lượng cỏ khô tương đương.
  • Ngựa Mông Cổ chỉ cần ăn cỏ đơn giản vì trên thảo nguyên chỉ có thế, và số lượng ngựa nhiều sẽ bù đắp cho công kéo (nếu dùng xe chở). Con này mỏi có thể tháo ra buộc con khác vào thay thế.
  • Cuộc hành quân của vua Quang Trung hiện giới sử học còn chưa thống nhất được. Hai phương án đường bộ và đường thủy đều đã được cân nhắc cũng như có các giả thuyết kèm theo. Phương án đường bộ khả thi nhất là Thượng Đạo, men theo đồi núi trung du phía Tây. Mỗi ngày sẽ phải đi khoảng 48 km.
    Tốc độ này có thể chấp nhận được, ví dụ cùng thời, bộ binh Grenadier của Napoleon mang 65 cân Anh (29.5 kg) vũ khí và trang bị di chuyển trung bình 30 dặm Anh (48.3 km) mỗi ngày. Chiến dịch Austerlitz năm 1805 là đi như thế liên tục 40 ngày với quãng đường 500 dặm Anh (hơn 800 km).