Giới thiệu
Trong thời Trung Cổ, ngựa được coi là một tài nguyên quân sự quan trọng nhưng lại rất đắt đỏ. Việc nuôi dưỡng ngựa cũng đòi hỏi nhiều chi phí và công sức.
Quy đổi tiền tệ
- 4 xu (penny) là lương cơ bản hàng ngày của một nam giới trưởng thành, lao động phổ thông.
- 1 đồng shilling = 12 xu.
- 1 đồng bảng Anh = 20 shilling.
Chăm sóc cho chiến mã
Giá cả của các loại ngựa
- Ngựa thồ hàng (sumpter): 60 – 120 xu tùy chất lượng.
- Ngựa cưỡi thông thường (hackney hoặc rouncey): 720 – 2.400 xu.
- Ngựa dùng săn bắn và đánh trận (courser): ít nhất 2.400 xu.
- Ngựa chiến (destrier): ít nhất 9.600 xu, tức 40 bảng Anh.
Công việc chăm sóc ngựa
- Ngựa chỉ gặm cỏ sẽ không đủ sức chở hay kéo nặng, phải cho ăn thêm ngũ cốc. Yến mạch có giá 11 xu cho 30.3 kg.
- Mùa đông tuyết rơi, nếu nhà không có hay không đủ, bạn sẽ phải đi mua thức ăn khô, rơm rạ, chứ chỉ cho ngựa đi cào tuyết tìm cỏ thì mất toi 17 tiếng mỗi ngày. Giá cỏ khô thì 5 kg/2 xu, đủ ăn một ngày.
- Dây cương không dùng được mãi, giá thay mới 6 – 12 xu.
- Khoảng sáu tuần một lần, con ngựa của bạn cần vệ sinh móng. Tháo móng ngựa, cắt gọt rồi đóng lại đòi hỏi kỹ năng cao, do đó phí sẽ là 6 xu.
- Ngựa cần thay móng mới? OK hãy chi ra 8 xu.
- Ngựa ốm? Nếu giá thuốc còn đắt hơn giá mua, tốt nhất nên đem nó vào lò mổ.

Thuê ngựa
Dịch vụ thuê ngựa khá phát triển và giá tương đối rẻ, khoảng 30 xu cho lộ trình 300 km. Tuy nhiên, nơi đến phải có chi nhánh hiệp hội để nhận lại ngựa. Nếu thuê ngựa cho mục đích quân sự, nhất là kéo xe hàng hóa sang đất thù địch, giá sẽ tăng lên nhiều lần hoặc hợp đồng có điều khoản bồi thường để phòng ngừa rủi ro.
Chăm sóc và nghỉ ngơi ngựa
Một con ngựa cần uống 30-45 lít nước mỗi ngày.
Ngựa ăn nhiều nên thải ra cũng nhiều. Một con chiến mã chất lượng cao, nặng 680 kg sẽ thải ra khoảng 32 kg phân và 30 lít nước tiểu hàng ngày.
Việc lựa chọn vật liệu xây chuồng ngựa phụ thuộc vào kinh tế và khí hậu. Chuồng đá cần bố trí thoát nước tốt, vì độ ẩm cao có hại cho sức khỏe của ngựa. Nền chuồng được phủ bằng mùn cưa hoặc rơm (thích hợp nhất vì nó hút ẩm và giữ nhiệt). Hàng ngày phải xúc bỏ lớp bẩn và bổ sung thêm lớp mới. Nếu là rơm, trung bình cần 45.3 kg mỗi tháng cho một con ngựa.
Chiến mã phải được nghỉ ngơi để đạt thể lực tốt nhất trước khi vào trận chiến. Nếu cần thiết, có thể cưỡi hay để nó chở hàng hóa di chuyển khoảng 32 km trước thời điểm dự kiến có giao tranh ít nhất là một ngày. Chở nặng hay sát thời điểm đánh trận sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể lực chiến mã. Do vậy, giá ngựa rất cao, thời Merovingian ở Pháp, một con chiến mã giá ít nhất gấp 4 lần một con bò đực trưởng thành. Tỉ lệ này vẫn duy trì đến thời vua Charlemagne.
Bánh mì ngựa – thực phẩm quan trọng trong hậu cần
Sau những chuyến chở hàng nặng, hành trình dài hay trận đánh khốc liệt, con ngựa của bạn cần nhanh chóng bổ sung năng lượng (carbohydrate và protein), nhằm hồi phục càng sớm càng tốt. Chỉ ngũ cốc thô thôi sẽ không đủ, đó là nguyên nhân bánh mì ngựa ra đời.
Lợi thế của món này là nó giúp giải quyết hai vấn đề: dễ tiêu hóa (do bột chín) và cung cấp nhiều dinh dưỡng hơn một đơn vị ngũ cốc cùng trọng lượng.

Thành phần của bánh mì ngựa
Bánh mì ngựa làm chủ yếu từ cám, bột đậu. Bột lúa mạch đen được thêm vào lúc nhào trước khi nướng. Sản phẩm là những ổ bánh nâu hơi dẹt, thô, nặng 2.3 kg. Mỗi con ngựa lao động nặng sẽ ăn hết 2 ổ mỗi ngày, tổng giá mua là 1 xu, tức 1/4 công lao động của một nam giới trưởng thành.
Thực phẩm bất đắc dĩ
Do rẻ tiền, nhiều dân nghèo có thể mua loại bánh này. Nó nằm ở cấp thấp nhất trong bảng lương thực, trên là bánh mì nâu cho nông dân và bánh mì trắng dành cho giới thượng lưu. Những người ăn nó thường bị khinh thường.
Trong vở hài kịch năm 1598 của Ben Johnson, Every Man Out Of His Humor, một nhân vật giàu có đã xúc phạm nhóm nông dân bằng câu:
Tụi bay là bọn vô lại, phải ăn bánh mì ngựa.
Every Man Out Of His Humor
Tuy giá thấp nhưng việc quản lý bánh mì ngựa lại rất chặt chẽ, vì đây là “nhiên liệu chính” cho hệ thống vận chuyển bằng ngựa của nước Anh từ thời Trung Cổ cho đến đầu những năm 1800. Nó quan trọng về mặt hậu cần đến mức được quản lý chặt hơn so với bánh mì dành con người; với những luật quy định thợ nào có thể nướng bánh mì ngựa, cũng như giá cả, kích cỡ và đôi khi cả thành phần của bánh mì.